Có thể dễ dàng thấy rằng công nghệ sau thu hoạch có một vai trò rất quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản.Trước hết, đó là cầu nối giữa người sản xuất nông nghiệp với người tiêu dùng nông sản. Có thể nói không một loại nông sản nào dù ở trong bất kỳ hoàn cảnh tiêu thụ nào mà không phải thông qua các công đoạn xử lý sau thu hoạch. Ngay cả đối với những loại rau tươi, tiêu thụ ngay sau khi thu hoạch, trong hoàn cảnh thời gian tiêu thụ càng nhanh, rau càng tươi càng tốt thì vẫn không thể bỏ qua những kỹ thuật sau thu hoạch như sơ chế, phân loại, đóng gói,... Nói cách khác công nghệ sau thu hoạch sẽ tạo đầu ra hợp lý cho các loại nông sản. Xử lý công nghệ sau thu hoạch càng hợp lý, hiệu quả bao nhiêu thì đầu ra, khả năng tiêu thụ của nông sản càng tốt bấy nhiêu.
Thứ hai, công nghệ sau thu hoạch đóng góp to lớn vào việc giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng nông sản, chống lại hiện tượng “mất mùa trong nhà”, đồng thời tăng thu nhập xã hội. Trong khi hoạt động nghiên cứu và triển khai công tác khoa học kỹ thuật khuyến nông ở giai đoạn trước thu hoạch phải rất vất vả mới có thể tăng được năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi lên một vài phần trăm thì việc áp dụng các công nghệ sau thu hoạch có thể dễ dàng làm tăng sản lượng nông sản lên nhờ giảm tổn thất sau thu hoạch hiện đang rất cao hiện nay.
Thứ ba, công nghệ sau thu hoạch góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Công nghệ bảo quản nông sản tiên tiến, hiện đại và phù hợp có thể kéo dài thời gian tồn trữ là điều kiện quan trọng để đưa những mặt hàng nông sản có thế mạnh của Việt Nam như trái cây tươi, thủy sản tươi,... vươn tới những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như châu Âu, Hoa kỳ, Nhật Bản,... Đồng thời, việc sơ chế, bảo quản đúng cách luôn làm giảm tổn thất về chất lượng đối với nông sản sau thu hoạch cũng là một trong những giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng của chúng, đảm bảo có thể cung cấp thường xuyên, ổn định các mặt hàng nông sản này cho nhiều thị trường lớn, có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và thời gian giao hàng. Trong khi đó, áp dụng công nghệ sơ chế, bảo quản đúng cách, nâng cao chất lượng nguyên liệu là yếu tố không thể thiếu được cho một nền chế biến nông sản đang vươn đến mục tiêu sản xuất ra các sản phẩm nông sản chế biến có giá trị gia tăng và có chất lượng cao.
Thứ tư, công nghệ sau thu hoạch luôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững, quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất diễn ra nhanh và mạnh trên nhiều vùng, miền trong cả nước, làm tăng khối lượng sản phẩm và giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Nhiều vùng sản xuất tập trung, sản xuất sản phẩm hàng hóa lớn đã triển khai nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh hướng đến đạt hiệu quả cao và bền vững. Rất nhiều loại nông sản, nhất là các loại rau, quả, thủy sản,... vốn có thời gian tồn trữ sau thu hoạch ngắn nên nếu không có công nghệ sau thu hoạch phù hợp thường dễ bị thối, hỏng, mất giá trị sử dụng, phải đổ bỏ vừa lãng phí công sức của người nuôi trồng, vừa làm ô nhiễm môi trường. Nói cách khác, việc áp dụng công nghệ sau thu hoạch vừa góp phần làm giảm hiện tượng “mất mùa
trong nhà” vừa tạo cơ sở để xây dựng một nền công nghiệp chế biến nông sản, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Trong bối cảnh đó, công nghệ sau thu hoạch đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát triển nền nông nghiệp bền vững. Một hệ thống công nghệ sau thu hoạch hiện đại, đủ mạnh, phù hợp với trình độ sản xuất nông nghiệp trong từng thời điểm và được phát triển đồng bộ luôn là “cửa mở”, là khâu đột phá của một ngành sản xuất nông nghiệp chuyển dịch từ quá trình tự cung, tự cấp sang một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hàng hóa tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, có sức cạnh tranh cao, có hiệu quả và phát triển bền vững. Quá trình áp dụng công nghệ sau thu hoạch ở vùng nông thôn, trong các hợp tác xã nông nghiệp, với tính chất công nghiệp của các công nghệ này sẽ thúc đẩy khu vực nông thôn nói chung và các hợp tác xã nông nghiệp nói riêng phát triển một cách ổn định theo hướng công nghiệp, tiến bộ và phồn vinh.
Thứ năm, công nghệ sau thu hoạch góp phần, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Giảm tổn thất sau thu hoạch nhờ áp dụng các công nghệ phù hợp làm tăng sản lượng nông sản ở mức tương ứng làm tăng thêm nguồn nguyên liệu có chất lượng cho lĩnh vực chế biến khiến cho việc mở mang, phát triển ngành này càng ngày càng có cơ sở hơn, chẳng những đáp ứng được yêu cầu khuyến khích phát triển của ngành nông nghiệp mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người dân, nhất là người dân nông thôn. Hơn thế nữa, việc gia tăng sản lượng thu hoạch được mà không phải chi phí thêm trong quá trình nuôi, trồng đã làm cho thu nhập của người nông dân và xã hội do vậy cũng được tăng thêm đáng kể.
Thực tế đã chứng tỏ rằng các nước có nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn với hệ thống sau thu hoạch phát triển, được công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã và đang khẳng định ưu thế vượt trội về sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu nông sản thế giới. Mặt khác, cùng với nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế, sức mua của người dân cũng được nâng cao, thị trường trong nước ngày càng mở rộng. Nhu cầu tiêu dùng hàng nông sản, nhất là các loại lương thực, thực phẩm có chất lượng cao, đa dạng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,.. không ngừng tăng lên. Đây chính là nhu cầu và là thách thức to lớn đối với toàn ngành nông nghiệp nói chung và đối với lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch nói riêng, nhất là trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kin tế thế giới và trong quá trình tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững.